Vì sao các game ngày nay đòi hỏi dung lượng lớn như vậy?

Vì sao các game ngày nay đòi hỏi dung lượng lớn như vậy?

Vì sao các game ngày nay đòi hỏi dung lượng lớn như vậy?

Nếu bạn là một game thủ nhiệt thành trên PC, chắc chắn bạn đã nhận thấy rằng nhiều tựa game ngày nay yêu cầu dung lượng lưu trữ lớn trên ổ đĩa của bạn. Năm năm trước, 50 GB ắt hẳn không phải là điều bất thường đối với một game bom tấn, nhưng bây giờ con số đó dường như đã tăng gấp đôi.
Nhưng đây có thực sự là tiêu chuẩn hay chỉ là một số ngoại lệ? Kích thước trung bình của một trò chơi triple-A ngày nay chính xác là bao nhiêu? Khi nào chúng bắt đầu trở nên nặng nề như vậy và tại sao chúng lại khổng lồ như vậy?


Để bắt đầu kiểm tra xem kích thước các game đã phình to như thế nào theo thời gian, trang TechSpot đã tổng hợp các yêu cầu về dung lượng lưu trữ được đề xuất tại thời điểm ra mắt của mỗi trò chơi, kéo dài 17 năm kể từ khi phát hành. Trang này lấy mẫu ít nhất 10 trò chơi cho mỗi năm, chọn ra những game có khả năng có ngân sách phát triển lớn nhất.

Phần tổng hợp chủ yếu bao gồm những game được gọi là trò chơi AAA, đặc biệt là ở thể loại game bắn súng góc nhìn thứ nhất và phiêu lưu hành động góc nhìn thứ ba. Ở đây không hàm ý rằng các thể loại khác không có trò chơi kích thước lớn – chúng chắc chắn có thể (ví dụ: Baldur's Gate 3 được dự đoán sẽ yêu cầu 150 GB dung lượng lưu trữ) – nhưng TechSpot chỉ tập trung vào những trò chơi thường được cho là sẽ kéo theo yêu cầu cài đặt lớn, kể cả về yêu cầu lưu trữ và cấu hình đòi hỏi.

2023-05-21-image.jpg


Biểu đồ dung lượng lưu trữ này có thể chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn ổn định (2007-2012) là khi dung lượng lưu trữ trung bình không gia tăng rõ rệt và có xu hướng đi ngang, đây là thời kỳ trước sự ra đời của Xbox One và PlayStation 4. Giai đoạn bùng nổ (2013-2019) đi theo sau sự ra đời của 2 mẫu máy chơi game này, dung lượng trung bình tăng đều đặn trong suốt thời kỳ này. Cuối cùng là Giai đoạn đột biến (từ 2020 trở đi) khi đã xuất hiện lẻ tẻ những tựa game có yêu cầu lưu trữ cao bất thường (xấp xỉ 150 GB), mặc dù dung lượng trung bình không tăng quá nhiều và chỉ ở quanh mức 80 GB nhưng nó chỉ báo dung lượng “đột biến” của các game này sẽ trở thành điều "bình thường mới" trong các năm sắp tới.

Ở đây loại trừ các trò chơi 'truy cập sớm' [1] vì kích thước của chúng có thể dao động vào thời điểm hoàn thành và không bao gồm các tựa game MMO (trực tuyến nhiều người chơi) hoặc các phiên bản đặc biệt có kèm theo những DLC (nội dung có thể tải về thêm) [2] cũng vì lý do tương tự.
Biểu đồ trên là một bản tóm tắt tốt về những phát hiện của TechSpot, tuy nhiên vẫn còn nhiều điều cần mổ xẻ và phân tích. Các điểm đánh dấu màu đỏ đại diện cho trung bình hình học [3] cho mỗi năm và chúng cho thấy rõ ràng rằng kích thước trò chơi trung bình tính bằng GB đã tăng đều đặn trong mười năm qua.

Từ mức trung bình 11 GB vào năm 2012 lên 80 GB vào năm 2023, đã có mức tăng 6.3 GB mỗi năm.
Tuy nhiên, kiểm tra kỹ hơn lại tiết lộ rằng từ năm 2007 đến 2012, kích thước trò chơi khá nhất quán và thường giới hạn trong vòng 20 GB hoặc hơn. Tiếp theo đó là một đợt tăng mạnh, tăng gấp đôi con số đó trong hai năm sau đó, trước khi ổn định phần nào.

Từ thời điểm này trở đi, kích thước trò chơi trung bình bắt đầu tăng lên rõ rệt. Mặc dù có thể dễ dàng giả định rằng các trò chơi đặc biệt lớn, là ngoại lệ, đang làm sai lệch nhiều kết quả, việc sử dụng trung bình hình học – trái ngược với trung bình số học – làm giảm sức ảnh hưởng của chúng. Việc loại trừ các trò chơi lớn nhất và nhỏ nhất khỏi tập dữ liệu dẫn đến những thay đổi tối thiểu đối với xu hướng chung.

2023-05-17-image-13.jpg
2019's Red Dead Redemption 2 là tựa game khổng lồ nhất tính đến năm 2019 (150 GB).

Các giá trị lớn đôi khi có thể che khuất xu hướng thực tế và các bản phát hành gần đây, chẳng hạn như Star Wars: Jedi Survivor, có thể tạo ấn tượng rằng các trò chơi có kinh phí bom tấn lớn hơn 100 GB đang trở thành tiêu chuẩn.

Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy rằng điều này không đúng một cách chính xác, hoặc ít nhất là chưa.
So sánh số liệu của năm 2023 với số liệu của năm 2020 – trò chơi lớn nhất trong các mẫu đại diện của năm 2020 là Microsoft Flight Simulator, có yêu cầu dung lượng lưu trữ trống khuyến nghị là 150 GB khi ra mắt, với kích thước trung bình là 78 GB. Ba năm sau, trò chơi lớn nhất hiện yêu cầu 155 GB, nhưng kích thước trung bình chỉ tăng 2 GB kể từ năm 2020.

Tuy nhiên, một thống kê duy nhất chỉ tiết lộ một khía cạnh của mô thức. Mặc dù năm 2023 có kích thước trò chơi trung bình cao nhất, nhưng nó cũng có độ lệch chuẩn [4] cao thứ ba, đây là thước đo mức độ biến động của kết quả quanh mức trung bình.

2023-05-21-image-3.png
Đây là biểu đồ hộp-và-râu của các trò chơi được lấy mẫu. Phần hình hộp chữ nhật gói gọn những gì được gọi là vùng phân tán giá trị, trải dài từ yêu cầu lưu trữ của 25% số trò chơi nhỏ nhất đến 75% số trò chơi lớn nhất. Các đường kéo dài từ trên cùng và dưới cùng của hộp (phần râu) cho biết kích thước trò chơi tối đa và tối thiểu. Bất kỳ điểm nào được coi là ngoại lệ được thể hiện dưới dạng một dấu chấm riêng lẻ.

Lưu ý cách các hộp nằm thấp hơn trên đường quét của râu cho các mẫu từ những năm gần đây. Điều này cho thấy rằng quy mô trò chơi vẫn có xu hướng nghiêng về phần râu phía dưới hơn thay vì luôn ở mức cực lớn.

Hơn nữa, thực tế là kích thước của các hộp thay đổi đáng kể qua các năm cho thấy sự thiếu nhất quán. Bất kỳ nhà thống kê nào cũng sẽ xác nhận rằng tính nhất quán là chìa khóa để bất kỳ khuôn mẫu nào được coi là chuẩn mực.

 


Thoạt nhìn, đây có vẻ là một câu hỏi dễ trả lời – chỉ đơn giản là quy kết việc tăng kích thước cho những tiến bộ trong đồ họa. Thật vậy, các trò chơi ngày nay chi tiết hơn rất nhiều so với những trò chơi cách đây gần hai thập kỷ và chúng ta cũng đang chơi chúng ở độ phân giải cao hơn. Do đó, môi trường, các mô hình nhân vật và hiệu ứng hình ảnh đều sử dụng nội dung có kích thước lớn hơn và số lượng nhiều hơn.

Mặc dù nghiên cứu đang được tiến hành nhằm mục đích giảm kích thước kết cấu bằng công nghệ mới, nhưng vẫn có giới hạn về mức độ có thể thực hiện được trong vấn đề này. Sự phức tạp tuyệt đối mà các game thủ trông đợi từ một trò chơi mở rộng, kinh phí lớn có nghĩa là kích thước cài đặt lúc nào cũng phải lớn.

Tuy nhiên, đồ họa chỉ chiếm một phần của câu trả lời vì các yếu tố khác đóng vai trò quan trọng ở đây.
Screenshot 2023-05-31 155253.jpg
Đôi khi sự khác biệt giữa phiên bản game ban đầu và bản làm lại sau vài năm (remastered) là khó lòng nhận ra nhưng đó vẫn được coi là sự cải tiến đồ họa đáng kể và kéo theo yêu cầu lưu trữ lớn gấp hai hay ba lần. Ở đây là một phân cảnh của màn chơi đầu tiên trong Bioshock 1 bản gốc (2007, đòi hỏi chỉ 8GB) và Bioshock 1 Remastered (2016, đòi hỏi… 25GB). Và nếu nhìn kỹ chúng ta có thể thấy bản làm lại có mức độ chi tiết hơn ở phần bức tường.


Điều đầu tiên trong số này là hầu hết tất cả các trò chơi mà chúng ta đã kiểm tra đều được phát triển cho nhiều nền tảng – nghĩa là chúng được thiết kế không chỉ cho PC mà còn cho cả máy chơi game (console). Sáu năm đầu tiên trong khoảng thời gian khảo sát của chúng ta bao gồm kỷ nguyên Xbox 360 của Microsoft và PlayStation 3 của Sony (giai đoạn 2007-2012).

2023-05-21-image-2.jpg
Các bộ phận bên trong máy chơi game PlayStation 3 Slim (2009). Nguồn: iFixit

Khi những máy chơi game này lần đầu tiên ra mắt, chúng được trang bị ổ cứng rất nhỏ so với những gì hiện có ngày nay – ví dụ: PS3 ra mắt với ổ 60 GB. Qua nhiều năm, cả hai công ty đã cập nhật các mẫu máy của họ cho đến khi chúng tự hào có được ổ đĩa 500 GB. Khi Xbox One và PlayStation 4 được giới thiệu vào năm 2013, cả hai máy chơi game đều bắt đầu với kích thước này và mở rộng lên 1 TB trong vòng vài năm.

Ngoài ra, Xbox 360 và PS3 có dung lượng bộ nhớ RAM ít ỏi, tổng cộng chỉ 512 MB mỗi máy. Máy chơi game của Sony sử dụng hai bộ RAM (256 MB cho hệ thống, 256 MB cho GPU), trong khi Microsoft áp dụng cách tiếp cận thống nhất hơn, mặc dù nó chỉ bao gồm 10 MB RAM nhúng khiêm tốn cho GPU (cache).

Với những dung lượng bộ nhớ hạn chế này, có rất ít lý do để chứa các tựa game có độ chi tiết cao yêu cầu không gian lưu trữ đáng kể, vì máy chơi game sẽ không có khả năng kết xuất ra hình ảnh của chúng. Tuy nhiên, với sự ra đời của PS4 và Xbox One, mức RAM đã tăng lên 8 GB, giúp các nhà phát triển có phạm vi tốt hơn nhiều để cải thiện độ trung thực của đồ họa.

2023-05-17-image-10.jpg
Hai máy chơi game Xbox Series X (màu đen) và Xbox Series S (màu trắng).

Các máy chơi game mới nhất, PlayStation 5 và Xbox Series X/S ra mắt vào năm 2020, vẫn sử dụng ổ lưu trữ nội bộ có dung lượng 1 TB hoặc nhỏ hơn, nhưng giờ đây chúng có RAM 16 GB. Do đó, thậm chí còn có nhiều chỗ trống hơn để tăng cấp cho thiết lập đồ họa.
Đây là lý do tại sao chúng ta quan sát thấy sự gia tăng đột ngột về yêu cầu lưu trữ được đề xuất từ năm 2013 trở đi – các nền tảng được kỳ vọng sẽ bán được nhiều trò chơi nhất cho chúng hiện đã được trang bị đủ chỗ để lưu trữ và kết xuất các trò chơi lớn hơn và tham vọng hơn.
Tuy nhiên, việc tăng kích thước không hoàn toàn do đồ họa.


Lấy ví dụ, game The Last of Us Part 1. Bên trong thư mục cài đặt chính của nó, có một thư mục được gắn nhãn "bài phát biểu" (speech). Vì trò chơi này thiên về hướng dẫn dắt bằng câu chuyện nên có nhiều đoạn cắt cảnh và tương tác mở rộng giữa các nhân vật. Hệ quả là, đối với mọi ngôn ngữ mà các nhà phát triển đã tích hợp vào trò chơi, thì phải bao gồm một bản sao âm thanh bằng ngôn ngữ đó.

2023-05-17-image-8.jpg
Chỉ riêng các tệp tiếng Anh đã chiếm 1.6 GB, trong khi các ngôn ngữ khác (ví dụ: tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Hy Lạp, v.v.) chiếm 8.5 GB dung lượng lưu trữ. Phần còn lại của các tệp bản địa hóa cho menu tùy chọn trong game và các phần khác của trò chơi chỉ cần hơn 4 GB dung lượng ổ đĩa và thư mục chứa video mở đầu, phần ghi danh sách tên cuối game (end credits), v.v. yêu cầu thêm 2.7 GB.

Tổng cộng, cần gần 17 GB dung lượng lưu trữ cho dữ liệu không liên quan đến đồ họa. Con số đó lớn hơn bất kỳ trò chơi tổng thể nào trong mẫu năm 2010. Khuôn mẫu này nhất quán trên hầu hết tất cả các trò chơi "kích cỡ Godzilla" mà TechSpot đã kiểm tra – những trò chơi có nhiều đoạn phim, lời nói mở rộng và tính bản địa hóa đáng kể thường lớn hơn nhiều so với phần còn lại của mẫu trong một năm nhất định.

Và có một yếu tố khác mà ở đây chưa xem xét.


Trở lại năm 2007, nếu bạn muốn có một ổ cứng 1 TB cho máy tính để bàn của mình, bạn sẽ phải trả hơn 400 đô la, trong khi giá trung bình cho 320 GB là khoảng 65 đô la. Ổ cứng thể rắn (SSD) vẫn còn ở giai đoạn sơ khai và thậm chí một ổ 256 GB vào năm 2009 sẽ có giá đáng kinh ngạc là 530 đô la.

Với mức giá này, việc PS3 và Xbox 360 ra mắt với ổ cứng nhỏ như vậy là điều dễ hiểu. Phiên bản 60 GB trước đây có giá 599.99 USD, trong khi Microsoft yêu cầu 399 USD cho mẫu 20 GB.
Mặc dù các máy chơi game có thể đã được trang bị ổ đĩa lớn hơn, nhưng chúng đã bị bán lỗ, có nghĩa là bất kỳ chi phí bổ sung nào sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình hình. Rất may, thị trường lưu trữ đã và đang tiếp tục có tính cạnh tranh cao.

2023-05-17-image-4.jpg

Công ty lưu trữ đám mây Backblaze đã theo dõi tỉ mỉ từng ổ đĩa mà họ đã mua trong nhiều năm và trong khi họ mua số lượng lớn và theo hợp đồng có thời hạn cố định, sự ghi nhận của họ minh họa rõ ràng sự sụt giảm nhanh chóng về giá cả lưu trữ – hay nói cách khác là dung lượng ổ đĩa đã tăng lên như thế nào đối với cùng một mức chi phí.

Truy cập vào bất kỳ cửa hàng trực tuyến nào ngay hôm nay và chúng ta sẽ có thể tìm thấy ổ đĩa cứng 1 TB với giá dưới 50 đô la, mặc dù dung lượng lớn hơn giúp cho hiệu quả số tiền bỏ ra tốt hơn. Bạn có thể tìm thấy các mẫu 4 TB với giá dưới 80 đô la – chỉ 20 đô la cho mỗi 1 TB dung lượng lưu trữ.
Đó là mức giảm 95% so với năm 2007 và điều này cũng đúng đối với các ổ đĩa trạng thái rắn. Các nhà phân tích đã suy đoán trong một thời gian rằng SSD cuối cùng sẽ rẻ hơn so với ổ cứng cơ về chi phí trên mỗi TB.

Hiện tại, bạn có thể mua ổ SSD 1 TB với giá dưới 40 đô la. Mặc dù chúng ta chưa đạt đến điểm giao nhau về giá, nhưng giá sẽ tiếp tục giảm mạnh khi ngành công nghiệp lưu trữ cố gắng xoay sở giải quyết hàng tồn kho và duy trì thị phần. Đối với người dùng máy tính tại nhà, dung lượng lưu trữ cao có giá phải chăng hơn bao giờ hết.

2023-05-17-image-3.jpg

Các máy chơi game mới nhất có thể vẫn chỉ có cùng dung lượng lưu trữ như các mẫu từ sáu năm trước, nhưng những game của chúng có thể được mua trên đĩa Blu-ray Ultra-HD, mà có thể lưu trữ tới 100 GB dữ liệu (tất nhiên nếu nhà phát triển chú ý sử dụng đĩa để thực sự lưu trữ dữ liệu).
Từ quan điểm của một nhà phát triển trò chơi, với sự kết hợp của đĩa dung lượng cao và bộ nhớ trong có kích thước hợp lý, không có lý do thuyết phục nào để dành nhiều giờ hợp lý hóa mọi thứ nhằm giữ cho kích thước trò chơi cực kỳ nhỏ.

Tuy nhiên, đối với các game thủ PC, ngày càng khó tìm thấy các bản sao vật lý của các tựa game mới nhất vì các dịch vụ phân phối kỹ thuật số (Steam, Epic Games Store, GOG, v.v.) hiện đang thống trị ngành. Dù sao thì máy tính để bàn và máy tính xách tay chơi game đã dựng sẵn hiếm khi có ổ đĩa quang.
Điều đó tốt nếu bạn có kết nối Internet cực nhanh và không có giới hạn dữ liệu, nhưng hàng triệu người thì không. Tất nhiên, vấn đề này cũng ảnh hưởng đến chủ sở hữu máy chơi game, nếu họ có kiểu máy không có đĩa hoặc mua phiên bản kỹ thuật số của trò chơi. Do đó, sự gia tăng không ngừng về yêu cầu lưu trữ vẫn là một mối quan tâm chung.


Mặc dù trò chơi hơn 100 GB chưa phải là tiêu chuẩn, nhưng có thể sẽ không lâu nữa chúng sẽ trở thành như vậy. Điều đó có nghĩa là nếu PC của bạn có một ổ đĩa 1 TB duy nhất để lưu mọi thứ, thì bạn sẽ chỉ có thể lưu trữ một số tựa game có kích thước siêu lớn này ở một thời điểm bất kỳ. Đối với những người có gói Internet phù hợp, điều này có thể không quá đáng lo ngại nhưng việc liên tục sắp đặt thư viện trò chơi của một người có thể sẽ rất nhanh chóng trở nên mệt mỏi.

Điều đáng chú ý là ở đây không đề cập đến mọi trò chơi hiện có, cũng không phải là mọi thể loại và phiên bản, trong thống kê này. Có những tựa game thậm chí còn lớn hơn, nhưng cũng có nhiều tựa game, nếu không muốn nói là nhiều hơn, nhỏ hơn đáng kể.

Về phiên bản, các bản cập nhật liên tiếp theo sau thường có thể khiến trò chơi tiêu tốn nhiều dung lượng lưu trữ hơn vì các nhà phát triển thường xuyên thêm nội dung hoặc nội dung chất lượng cao hơn vào trò chơi của họ theo thời gian.

2023-05-17-image-7.jpg

Chẳng hạn, Far Cry 6 của Ubisoft yêu cầu 60 GB dung lượng lưu trữ theo mặc định, nhưng gói kết cấu độ phân giải cao riêng biệt sẽ thêm… 35 GB nữa vào con số đó. Các trò chơi khác đã được xem xét thêm vào bằng các gói kết cấu đồ họa khổng lồ vài tháng sau khi ra mắt.

Đây thực sự là một cách tiếp cận chiến lược, vì kết cấu đồ họa được cải thiện chỉ đáng chú ý khi chơi game ở độ phân giải cao, chẳng hạn như 1440p trở lên. Nếu PC của của chúng ta không có khả năng chạy trò chơi tốt ở các cấp độ đó, thì không cần gói bổ sung.

Call of Duty: Black Ops Cold War của Activision có yêu cầu lưu trữ khuyến nghị là 175 GB trên Steam, chủ yếu là do các nhà phát triển đã gói ghém mọi thứ vào một gói khổng lồ – một chiến dịch chơi đơn phức tạp về mặt hình ảnh, lại có nhiều chế độ nhiều người chơi và vô số kết cấu đồ họa cho tất cả các bản đồ khác nhau và các tùy chọn tùy chỉnh.

Khi tính đến tất cả các DLC và tệp bổ sung, tổng dung lượng có thể dễ dàng vượt quá 250 GB, mặc dù phần nhiều người chơi cơ bản chỉ yêu cầu 35 GB.

2023-05-17-image-12.jpg
Một cảnh trong COD: Black Ops Cold War. Để chiêm ngưỡng được không sót mọi hiệu ứng cháy nổ và nước lóng lánh game thủ có thể tốn đến 250 GB.


Nếu các nhà phát triển trò chơi AAA áp dụng phương pháp mô-đun một cách nhất quán, chẳng hạn như cung cấp chế độ chơi đơn và nhiều người chơi, nội dung có độ phân giải cao và tệp bản địa hóa dưới dạng các bản tải xuống riêng biệt, thì điều đó có thể giúp giảm kích thước ban đầu. Người dùng sẽ chỉ cần cài đặt các thành phần mà họ thực sự cần đến.

Tuy nhiên, những lựa chọn này thường nằm ngoài tầm kiểm soát của người dùng cuối, vậy chúng ta có thể làm gì với nó?

Căn cứ vào kích thước của một số tựa game mới nhất, bạn sẽ dễ dàng nghĩ rằng chúng không sử dụng tính năng nén dữ liệu. Tuy nhiên, hầu hết trong số chúng sử dụng các kỹ thuật nén cho các nhân tố nén được tốt, chẳng hạn như kết cấu đồ họa, âm thanh và đoạn phim.

Nếu bạn lưu trữ tất cả các trò chơi của mình trên một ổ đĩa riêng biệt, bạn có thể muốn nén toàn bộ. Tuy nhiên, cách tiếp cận này khó có thể mang lại khoản tiết kiệm đáng kể và thậm chí nó có thể làm giảm hiệu suất của các trò chơi mà thường xuyên phát nội dung từ ổ đĩa lưu trữ.

2023-05-21-image.jpg
Game không phải là một tập tin văn phòng đơn thuần. Microsoft đã thành công khi áp dụng các định dạng tập tin văn phòng mới từ năm 2007 để khiến kích thước của chúng nhỏ hơn đáng kể nhưng tiên tiến hơn khi gói gọn được nhiều yếu tố đồ họa bên trong. Nhưng game không làm được điều đó vì ổ cứng ngày càng phình to, và các nhà phát triển game thì không có đủ tiềm lực công nghệ như các Big Tech. Kết quả là họ để mặc kích thước game tăng lên vô độ.

Khả năng chi trả cho các ổ lưu trữ và dung lượng khổng lồ của chúng vừa là một điều may mắn vừa là một lời nguyền. Đối với các game thủ máy tính để bàn, thật tương đối dễ dàng để đưa một ổ đĩa lớn vào hệ thống nhưng điều này chỉ có nghĩa là chẳng có động lực nào để các nhà phát triển hợp lý hóa gói trò chơi cho phù hợp với những người có ít dung lượng hơn.

Các máy chơi game mới nhất cũng sẽ không giải quyết được vấn nạn này, bất chấp bộ nhớ trong cố định của chúng. Giá cả mở rộng cho cả hai máy hiện đang rất đắt, nhưng cũng giống như các máy PC đồng liêu với chúng, cuối cùng chúng sẽ giảm giá khi có nhiều mẫu máy hơn được tung ra thị trường.
Hiện tại, chúng ta sẽ phải chờ xem điều gì sẽ xảy ra trong vài năm tới và hy vọng rằng sự “tăng trưởng” về kích thước trò chơi sẽ ổn định trong một thời gian. Đương nhiên, cuối cùng chúng sẽ trở nên lớn hơn, nhưng chúng ta sẽ cần gói phần cứng và Internet phù hợp trước khi chúng tăng lên tiếp.

Lược dịch từ bài của Nick Evanson, TechSpot

Chú thích:

[1] Early access game: Là các game chưa được hoàn thành nhưng vẫn có sẵn để người chơi mua và chơi trong trạng thái hiện tại của game. Việc này cho phép các nhà phát triển nhận được phản hồi và tăng vốn cho game của họ trong khi nó vẫn còn đang phát triển. Chúng thường rẻ hơn phiên bản cuối cùng và có thể có lỗi hay thiếu đi nhiều tính năng. Đây là lý do vì sao kích thước của chúng rất hay thay đổi và khó đưa vào biểu đồ để đánh giá.

[2] Dowloadable content: Là nội dung hay màn chơi bổ sung bạn có thể thêm vào game để mở rộng trài nghiệm. DLC có thể miễn phí hay trả phí và có thể bao gồm các tính năng, vật dụng mới, đồ họa tô điểm thêm. Nếu cộng thêm phần dung lượng của DLC thì game có thể tăng kích thước đáng kể nên nó cũng khó lòng đưa vào biểu đồ của bài này.

[3] Trung bình hình học: Căn bậc n cho tích của n giá trị dung lượng lưu trữ được đưa vào của từng năm. Nó luôn nhỏ hơn hoặc bằng trung bình cộng, vì vậy là một chỉ báo về con số trung bình tốt hơn khi xuất hiện những giá trị lớn đột ngột.

[4] Độ lệch chuẩn: Là căn bậc hai của tổng bình phương độ lệch chia cho (n-1) giá trị của từng năm, vì đây chỉ là các mẫu.

Đang xem: Vì sao các game ngày nay đòi hỏi dung lượng lớn như vậy?

Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên