Kể từ khi ra mắt vào năm 2007 đến nay, dòng game Assassin’s Creed đã luôn là một cái tên đình đám được đông đảo game thủ trên khắp thế giới mong chờ mỗi năm, bởi mỗi phiên bản luôn là một dự án tốn nhiều tiền của nhất của ông lớn nước Pháp.
Dẫu vẫn là một “con gà đẻ trứng vàng” hàng đầu, nhưng trong nhiều năm trở lại đây, mỗi lần trailer Assassin’s Creed mới ra mắt đều vấp phải rất nhiều luồng ý kiến tranh cãi, bởi hướng thiết kế của dòng game đã ngày một trôi xa những gì game thủ nhớ về một tựa Assassin’s Creed từng có.
Assassin’s Creed Valhalla, phiên bản mới nhất vừa ra mắt của dòng game đình đám này chính là đỉnh điểm của những tranh cãi mà Ubisoft định hướng cho dòng game này trong tương lai.
Chẳng ai nhận ra một tay sát thủ lăm lăm vũ khí “tả xung, hữu đột” giữa vòng vây kẻ thù trong một trận công thành chiến; chẳng ai nhận ra lý tưởng đấu tranh cho tự do và bình quyền qua những chiến thuyền cướp bóc và tàn phá làng mạc; cũng chẳng ai nhận ra tổ chức bảo vệ hòa bình thế giới được khởi đầu trong Assassin’s Creed Origins lại là những kẻ khát máu yêu thích sự hỗn loạn, hủy diệt…
Những gì mà mọi phiên bản Assassin’s Creed trước đây tạo lập danh tiếng, đều bị Ubisoft “xóa nhòa” trong trailer ra mắt của Assassin’s Creed Valhalla.
Chưa kể từ phiên bản Origins, đến Odyssey và bây giờ là Assassin’s Creed Valhalla, lối chơi của dòng game đã ngày một nặng tính nhập vai hơn, và liệu chiến lược phát triển này của Ubisoft sẽ đưa dòng game Assassin’s Creed bước sang thời kỳ mới?
CUỘC VIỄN CHINH CỦA NHỮNG KẺ KHÁT MÁU
Nếu bạn đọc còn nhớ, Assassin’s Creed IV: Black Flag ra mắt năm 2013 đã khiến giới mộ điệu dậy sóng với hàng loạt làn sóng tranh cãi quanh việc: đây là một tựa game Assassin’s Creed hay một tựa game… cướp biển được gác mác Assassin’s Creed?
Câu hỏi này được đặt ra là hoàn toàn có lý do của nó, bởi thiết kế lối chơi thiên về ám sát lén lút, do thám địa hình, vạch ra chiến lược được thể hiện rất ít trong bản game này.
Ngược lại, trò chơi tập trung phần lớn lối chơi vào thủy chiến và những trận giao tranh đầy máu lửa trên những con thuyền.
Nhiều người khen Black Flag hay, nhưng với những “fan cứng” của Assassin’s Creed, nó là một thứ “dị hợm” và khó chấp nhận bởi cái “họ” Assassin’s Creed mang trên mình.
May mắn thay, Assassin’s Creed Unity và Syndicate sau đó đã sớm đưa dòng game quay trở lại quỹ đạo thiên về hành động lén lút, nhưng… chúng cũng chẳng duy trì được lâu bởi những yếu tố mới liên tục được Ubisoft manh nha “thử nghiệm” trong mỗi phiên bản.
Để rồi đến khi cuộc phiêu lưu đến Ai Cập cổ đại của Assassin’s Creed Origins, người hâm mộ lại phải “reset” não của mình để tiếp nhận một game mới, với yếu tố nhập vai thoang thoảng mùi The Witcher 3.
Việc Assassin’s Creed đánh mất cái “chất” hành động lén lút của mình cho đến bản Odyssey là điều không mấy vui vẻ với người hâm mộ lâu năm nhưng bù lại, dòng game lại thu hút được một lượng lớn người chơi mới không hề ít!
Do đó, việc tìm ra một giải pháp nhằm cân bằng cả hai cộng đồng game thủ cũ – mới này là điều không hề dễ dàng.
Ubisoft không hề giấu ý định muốn biến Assassin’s Creed Valhalla trở thành một tựa game đặc sệt chất “nhập vai” tương tự như loạt game The Witcher, nhưng bản thân lối chơi của game lại vẫn còn “lưu luyến” những di sản của các phiên bản Assassin’s Creed xa xưa nên sự chuyển đổi “nửa nạc, nửa mỡ” được thể hiện thật khó chịu!
Đầu tiên là việc game được mang lại rất nhiều yếu tố quen thuộc làm nên tên tuổi của Assassin’s Creed đầu tiên, đó là… những băng ghế đá công cộng, những đoàn linh mục hành hương, các kẻ say xỉn dễ gây rối loạn đám đông, những màn lẩn trốn và nghe lén trong khu vực chợ búa sầm uất…
Tất cả, để khơi lại cho người chơi những “cảm giác quen thuộc” mà lối chơi hành động, lén lút hấp dẫn năm nào đã làm nên thương hiệu của dòng game…
NHƯNG…
Với bối cảnh là những cuộc chinh phạt của tộc Viking dũng mãnh, những gì mà Assassin’s Creed Valhalla muốn người chơi làm là hóa thân thành một tên đồ tể thứ thiệt, tay lăm lăm vũ khí và lao mình vào đám đông cuồng loạn, sát phạt tứ phía!
Cách giải quyết vấn đề đầy cục súc này trở thành “ngôn ngữ chính” cho lối chơi của Assassin’s Creed Valhalla, vì nó rất tiết kiệm thời gian, giải quyết nhiệm vụ gọn gàng và dĩ nhiên là… khá đã tay!
Và theo chiều ngược lại, mảng hành động lén lút trong Assassin’s Creed Valhalla lại bị xem nhẹ, đến mức “ép” game thủ nên tránh con đường này bởi tầm nhìn của A.I rất ảo lòi, thiết kế địa hình thiếu tính sắp đặt và cực kỳ sơ sài, chẳng có lấy một yếu tố khuyến khích game thủ tìm ra cách diệt gọn một đồn điền mà không để lại dấu vết.
Và những chi tiết phục vụ cho lối chơi lén lút nói trên như băng ghế, đoàn hành hương, v.v. chỉ thêm vướng tay, vướng chân hơn mà thôi!
Chưa dừng lại ở đó, yếu tố nhập vai sẽ tác động lên việc gây sát thương trên kẻ địch: dựa vào chỉ số, cho dù đó là ám sát hay cận chiến.
Nghĩa là nếu bạn chưa đủ “tuổi” để có thể một nhát “tiễn kẻ thù lên bàn thờ”, thì chúng vẫn điềm nhiên đứng dậy với cổ họng toang hoác một lỗ to tướng và vô tư vẫy gọi đồng đội tới “tẩn” cho bạn xéo cả háng!
Để bù lại cho những chỉ trích về tính cân bằng giữa hành động lén lút và cận chiến tay đôi từ người hâm mộ, các nhà thiết kế Assassin’s Creed Valhalla còn đề ra một giải pháp “siêu việt”: tùy chọn “Guaranteed Assassination” trong cài đặt lối chơi của game.
Nghe qua thì tính năng này có vẻ thuận tai đấy!
Nó vừa xoa dịu được những game thủ truyền thống yêu lối chơi lén lút, vừa có thể phù hợp với những game thủ mới chỉ mới biết đến Assassin’s Creed qua vài phiên bản gần đây.
Ấy thế mà, “cao kiến” này thực tế lại là một “tối sách” không thể khôi hài hơn, phá hỏng toàn bộ, người viết xin nhấn mạnh là TOÀN BỘ lối chơi của Assassin’s Creed Valhalla.
Cụ thể hơn, do được định hướng thiên hẳn về nhập vai nên cây kỹ năng của Assassin’s Creed Valhalla giờ đây được xây dựng liên kết rất mật thiết với nhau giữa các kỹ năng và chỉ số hỗ trợ, dù vẫn chia làm ba nhánh chính gồm Cận chiến, Ám sát và “Tay dài”.
Để tối ưu sức mạnh của nhân vật, các game thủ game nhập vai thường tìm cách “build” cho mình những công thức phối hợp đa dạng, tùy vào cách mà họ muốn nhân vật của mình phát triển.
Chính vì điều đó nên khi chúng ta bật chức năng “Guaranteed Assassination” thì toàn bộ những kỹ năng liên quan đến ám sát và cả nhánh kỹ năng hành động lén lút coi như… phế!
Nghĩa là bây giờ game thủ chỉ cần chăm chăm tăng điểm kỹ năng của mình vào hai nhánh còn lại: Cận chiến hoặc Tay dài mà thôi.
Nếu suy xét kỹ hơn, khi đã chọn lối chơi ám sát lén lút, thì việc tăng điểm vào hai nhánh kỹ năng kia cũng… gần như vô nghĩa!
Bạn có nghĩ rằng mình sẽ tăng điểm vào nhánh Cận chiến, chẳng biết để làm gì, sau đó bỏ công xách dao núp lùm để chơi lén lút hay không?
Với bản thân người viết, đây là điều vô cùng khó hiểu mà Assassin’s Creed Valhalla vẽ ra.
Đúng là thất sách!
“LO NỒI CÁ, BỎ NỒI CƠM”
“Cẩu thả” có lẽ là từ mô tả chính xác nhất cho chất lượng gia công của Assassin’s Creed Valhalla lần này, nếu so sánh với mức độ hoàn thiện của Origins hay Odyssey, bởi game chứa vô vàn lỗi trong suốt toàn bộ chiều dài game.
Lỗi to không thiếu mà lỗi nhỏ thì “ngập tràn bờ đê”!
Có lỗi thì ảnh hướng đến trải nghiệm, có lỗi thì ảnh hưởng luôn tiến độ chơi game… Nhưng tất cả không thể khó chịu bằng sự thiếu đầu tư trong mặt dàn dựng của Assassin’s Creed Valhalla.
Rất nhiều “vật liệu” dựng nên hai phiên bản trước được trưng dụng lại trong Assassin’s Creed Valhalla (game thủ hay gọi đùa là “công thức copy-paste” của Ubisoft) mà không hề có một sự nâng cấp hoặc cải tiến nào.
Diễn hoạt nhân vật, động tác chạy, động tác lén lút, NPC, ngựa, cỏ cây hoa lá… tất cả đều được bê “nguyên đai, nguyên kiện” từ các phiên bản trước, thay đổi một ít vân bề mặt (texture) và thế là chúng ta có một phiên bản Assassin’s Creed Valhalla mới, chỉ khác mỗi lớp áo và cái tên.
Cách thức tổ chức thế giới của game cũng y xì đúc hai phiên bản trước, và dĩ nhiên là về chiều sâu nó còn chẳng được đào thêm một chút nào mà còn bị rút bớt đi.
Thế giới trong Assassin’s Creed Valhalla là một thế giới buồn tẻ, sơ sài với những cộng đồng con người lặp đi, lặp lại – điều mà kể cả với những tựa game “open-world” khác của Ubisoft như The Division, Ghost Recon Wildlands/Breakpoint… đều giống nhau mà mãi vẫn không thấy một chút tiến bộ nào dù đã 4-5 năm trôi qua rồi.
Thật đáng thất vọng!
May thay, thay vì lạm dụng những màn thủy chiến vô cùng nhàm chán kế thừa từ “cụ tổ” Black Flag, Assassin’s Creed Valhalla đã mang đến một “hơi thở mới” là những màn cướp bóc (Raid) bằng những chiến thuyền thân dài (longboat) vượt sông, biển nổi tiếng của người Viking.
Nhưng mà, cho dù ban đầu có thú vị đến mấy, thì với phong cách khai thác nông cạn của Ubisoft, nó cũng chỉ dừng ở mức bề nổi, để “làm màu” chứ chẳng thể khai thác sâu hơn về sau được.
Cho đến hết game, các cuộc cướp bóc này vẫn sẽ chỉ dừng lại ở việc: đến nơi, xuống thuyền và cướp phá, rồi lặp đi, lặp lại…
Kinh khủng hơn chính là những trận công thành được trình chiếu trong trailer.
Những tưởng đây sẽ là những phân đoạn đầy máu lửa, hoành tráng và phấn khích hệt như trong bộ phim truyền hình của History Channel truyền cảm hứng cho trò chơi – Vikings, người viết lại tiếp tục… vuốt mặt với vẻ chán chường một lần nữa!
Bạn đã chơi qua tựa game có công thành chiến “cùng nhà Ubisoft” – For Honor chưa?
Tuy chưa thể đạt đến tầm vóc ấn tượng như Middle-Earth: Shadow of War, nhưng ít ra không khí và sự loạn lạc mà For Honor thể hiện vẫn tạm chấp nhận được!
Còn với Assassin’s Creed Valhalla, chúng ta cứ lấy quy mô của For Honor chia nhỏ xuống, chẳng hạn số lượng lính hai bên đem chia ba, mức độ ác chiến tiếp tục chia ba, mức độ hỗn loạn đem chia ba luôn… là bạn đã có thể tưởng tượng được trận công thành “vô cùng ấn tượng” của Assassin’s Creed Valhalla ra sao rồi đấy!
Thú thật là nếu so sánh với một trận chiến phe phái của Odyssey cách đây 2 năm, thì những trận công thành chiến của Assassin’s Creed Valhalla còn chẳng bằng, nói chi đến tầm cỡ như Middle-Earth: Shadow of War hay For Honor.
Điều mà người chơi làm trong hầu hết các trận công thành chiến này, chính là nhiệm vụ game yêu cầu làm gì thì cứ cắm đầu chạy vào mà làm.
Chẳng cần quan tâm lính lác “tẩn” nhau như thế nào, không cần biết đi đường nào mới là tối ưu, cũng chẳng cần để ý tướng lĩnh bên kia là ai, có chiến thuật và yếu mạnh thế nào, người chơi cứ cắm cổ chạy đến đích (vì cũng chỉ có một lối), mở cửa cho “500 anh em” hô to xông vào, mà thường thì anh em của chúng ta cũng… độn thổ vào trong hết rồi, mở cửa ra cho đúng “quy trình nhiệm vụ” mà thôi!
Sau đó là… xem tiếp phim cắt cảnh, rồi bạn sẽ được trải nghiệm lại mô-típ công thành chiến này thêm vài lần nữa cho đến khi… ngán thì thôi!
Đấy, dù học hỏi và làm tốt từ những tựa game nổi tiếng khác bao nhiêu trong hai phiên bản tiền nhiệm, thì Ubisoft thay vì tiếp tục phát huy và nâng cấp những ưu điểm này cho Assassin’s Creed Valhalla, lại chỉ để thời gian đầu tư vào những thứ không đâu, kém hiệu quả và còn khiến các mối liên kết trong lối chơi của game trở nên lỏng lẻo.
Sự thất vọng về mặt hoàn thiện game cũng chưa dừng lại ở đó, bởi càng chơi lâu, game thủ sẽ càng nhận ra vô vàn những yếu điểm.
Đồ họa và âm thanh vốn là thế mạnh của dòng game này, ấy thế mà trong phiên bản lần này, rất tiếc lại là một điểm trừ vô duyên.
Mặc dù đón đầu thế hệ console mới mạnh mẽ hơn, nhưng do đặt mục tiêu ra mắt nhiều phiên bản đồng thời trên các hệ máy cũ, nên chất lượng đồ họa không hề được nâng cấp, gần như giậm chân so với hai phiên bản trước đó.
Nếu so sánh một cách kỹ càng hơn, Assassin’s Creed Valhalla còn xấu hơn không ít so với phiên bản Odyssey ra mắt trước đó tận 2 năm.
Mô hình môi trường, nhà cửa vô cùng thô kệch, hiệu ứng vật lý tệ hại, lỗi diễn hoạt, động tác thiếu uyển chuyển, góc lag, thú cưỡi ngu độn...
Có chăng, điều còn lại mà người viết vẫn còn cảm thấy hài lòng ở đồ họa của Assassin’s Creed Valhalla chính là hiệu ứng ánh sáng vẫn còn đủ để game thủ sử dụng chức năng chụp ảnh “cùi bắp” của game!
Nếu nhìn sang mảng đồ họa một số tựa game cùng “tầm vóc” mới đây như Horizon Zero Dawn, Red Dead Redemption 2, Death Stranding… thì quả thật khá là đáng thất vọng cho một tựa AAA!
Và đáng tiếc nhất phải là nhạc nền, Assassin’s Creed Valhalla có rất nhiều bản nhạc nền hay, đầy kích thích và bắt tai!
Nhưng chúng tiếp tục được sử dụng vô tội vạ, cơ chế lên nhạc theo tình huống hoạt động chập chờn, lỗi lặp lại một đoạn nhạc hoặc âm thanh gây ức chế, đôi lúc còn… tịt luôn cả nhạc nền!
XÔ ĐỔ HÌNH TƯỢNG HỘI SÁT THỦ THIÊNG LIÊNG
Như đã nói ở trên, việc kéo dài cốt truyện chính của dòng game Assassin’s Creed đã tạo nên khá nhiều lỗ hổng to tướng lâu nay không thể vá lắp, nay đã hoàn toàn bị Ubisoft ngó lơ, thay vào đó là nâng cao yếu tố “khám phá lịch sử, du lịch tại chỗ” trong các phiên bản sau này.
Điều này dẫn đến sự khiên cưỡng trong việc gán ghép các sự kiện lịch sử, văn hóa bản địa khớp với tinh thần Tự Do – Trật Tự, cốt lõi của cốt truyện.
Đặc biệt là khi bối cảnh lần này lại là Viking, thật sự không hề phù hợp một chút nào!
Những chiến binh phương Bắc này có lối chiến đấu vô cùng cởi mở, bởi họ coi trọng danh dự, đề cao cái tôi trên chiến trường và vinh quang chính là được chết khi chiến đấu, để xứng đáng được bước vào Đại sảnh Valhalla sánh vai cùng các vị thần Bắc Âu lẫy lừng.
Những tính cách nói trên, đi ngược lại tôn chỉ “We work in the Dark, to serve the Light” nổi tiếng của Hiệp hội Sát thủ.
Sự vô lối và cao ngạo của người Viking còn được thể hiện hết sức “mất nết” trong việc họ coi thường Hidden Blade, thứ vũ khí ám sát được xem là biểu tượng của Assassin’s Creed từ thuở sơ khai bằng cách… đeo ngược nó, không thèm giấu giếm (dù về bản chất vẫn là “gian lận trong chiến đấu”).
Nếu suy xét kỹ hơn, người chơi sẽ càng nhận ra mặt trái của đức tin mà Hội Sát thủ đang tôn thờ trong các phiên bản Assassin’s Creed trước đây, tất cả đều sẽ được phơi bày trong Assassin’s Creed Valhalla.
Đó là những hành động sáo rỗng nhân danh sự tự do, mà hậu quả để lại chỉ xoay quanh hận thù, đau thương và mất mát.
Nó chẳng thể hiện được một tầm nhìn về tương lai tốt đẹp, dù đã cố gắng chỉ ra những cái xấu xa trong chế độ cầm quyền đương thời.
Điều mà cho đến tận thời điểm bối cảnh của Assassin’s Creed: Rogue trước đây mới được đem ra bàn tán đúng mực, và tiếp tục được đào sâu hơn trong Assassin’s Creed Syndicate.
Sự gò bó này trong Assassin’s Creed Valhalla được thực thi rất mạnh, cho dù người chơi có nhận ra rằng những điều mình đang làm có vô cùng sai trái và thiếu sự khôn ngoan, thì kết quả sẽ vẫn không đổi, cho dù có chọn phương án trả lời nào đi nữa.
Thứ thay đổi duy nhất chỉ có thể là thái độ của NPC đối với người chơi, sẽ chỉ là một vài câu nói hằn học, một vài cái chau mày thể hiện sự bực tức trong phim cắt cảnh…
Rồi mọi chuyện sẽ đâu vào đấy sau chỉ “một nốt nhạc”, khi tuyến nhiệm vụ kết thúc và NPC lẫn bạn sẽ trao cho nhau những lời chúc mừng đầy chân thành từ tận đáy lòng như chưa có “quần què” gì xảy ra từ trước đến nay vậy!?
Điều phản cảm nhất, mà có lẽ là ở phiên bản trước nó quá sơ sài nên người viết không màng nhắc đến, đó chính là yếu tố xây dựng tình cảm của người chơi với NPC.
Đôi khi, trong một vài lựa chọn hội thoại của nhân vật chính, người chơi sẽ vô tình có một lựa chọn cải thiện tình cảm giữa bạn và NPC.
Tuy nhiên, các tùy chọn hội thoại này như chỉ được thêm vào cho “bằng bạn bằng bè”, bởi với một số nhân vật, người chơi chẳng hề có bất kỳ sự liên kết hoặc xảy ra “phản ứng hóa học” nào nhưng vẫn lòi ra những lựa chọn tương tác vớ vẩn này.
Lố bịch hơn, ngoài duy nhất Randvi có một tuyến nhiệm vụ (ngắn ngủn) để cho người chơi thấy sự đồng điệu giữa hai người, thì còn lại những “nhân tình” mà bạn trải qua trong Assassin’s Creed Valhalla đều không hề có bất kỳ liên kết về nhiệm vụ nào để đào sâu vào mối quan hệ đó.
Thứ mà sau đó người chơi “mở khóa” được cũng chỉ dừng lại ở một vài tùy chọn “mua vui” cơ bản như: lên giường, hôn, chia tay, hoặc “cái của nợ gì đó” liên quan tới việc nhầm lẫn tên tuổi của nhân tình!
Những thêm thắt chủ yếu để “làm màu” này chẳng nhằm khắc họa tính cách hay chiều sâu của nhân vật gì cả, mà ngược lại còn đem đến sự báng bổ, biến giới tính thành một phông nền không hơn không kém và cũng cho thấy thái độ thiếu tôn trọng giới tính/tính dục của nhân vật mà chính người chơi điều khiển.
Với hệ thống tình cảm được xây dựng nông cạn như thế này, thì không biết bao giờ các phiên bản Assassin’s Creed sau này mới đạt được tầm cỡ của dòng game The Witcher hay Dragon Age?
VẪN ĐỦ SỨC GÂY NGHIỆN
Có một điều thú vị ở các tựa game Assassin’s Creed nói riêng, là dù được áp dụng với cùng một công thức, độ sâu tuy nông cạn nhưng được xây dựng với vô vàn những hoạt động bên lề vẫn đủ sức khiến người viết và rất nhiều người khác phải cắm mặt nhiều giờ liền để “cày”.
Assassin’s Creed Valhalla cũng không ngoại lệ, dù về số lượng hoạt động bên lề đã được cắt giảm đi tương đối.
Người chơi sẽ vẫn ham hố với những bí ẩn, cài cắm của nhà sản xuất đặt rải rác khắp các bản đồ, đòi hỏi người chơi phải sử dụng một “ít não” để giải đố, thu lấy những phần thưởng mang giá trị sưu tập là chủ yếu!
Điểm mà người chơi thích nhất trong Assassin’s Creed Valhalla lần này chính là hệ thống trang bị.
Thay vì phát triển theo dạng lượm, nâng cấp đồ với số lượng nhiều như “rác công nghiệp”, thì với phiên bản lần này, mỗi trang bị sẽ bỏ công tìm kiếm hơn rất nhiều, được bố trí sắp đặt theo chiều hướng phát triển của nhân vật và cũng đòi hỏi người chơi phải có sự thống nhất trong cách phối đồ.
Chưa dừng lại ở đó, mảng trang bị cũng yêu cầu người chơi bỏ công tìm kiếm cả những nguyên vật liệu nâng cấp cũng được đặt rải rác và thuận theo cách phát triển của cốt truyện và nhân vật, khiến tiến độ khám phá của game thủ rất đều đặn, liên tục thúc đầy họ đầu tư thời gian vào game.
Một yếu tố mới khác, cũng mang ý nghĩa hỗ trợ song song nhịp phát triển của game cũng như góp phần không nhỏ trong việc cuốn người chơi không ngừng nghỉ chính là việc cho phép game thủ xây dựng một “Đế chế” nhỏ cho riêng mình.
Bằng những cuộc cướp bóc, chinh phạt dọc theo cốt truyện game, những chiến lợi phẩm thu được sẽ mang về để xây dựng Đế chế của người chơi ngày một to hơn, phồn thịnh hơn, thu hút nhiều NPC đặc biệt với nhiều ngành nghề, chức nghiệp cốt là để hỗ trợ ngược lại chính người chơi phát triển nhân vật.
Tuy mức độ yếu tố xây dựng nhà cửa, đồn điền này chỉ mới dừng lại ở mức độ khá sơ khai, nhưng lại vừa đủ để bổ trợ cho người chơi tiếp tục dính chặt vào nhịp của Assassin’s Creed Valhalla suốt một thời gian dài.
Có NPC đảm trách việc chế tạo và nâng cấp vũ khí; có NPC đảm trách vị trí chiến lược gia, quân sư mỗi khi bạn ra trận; lại có NPC đảm trách công việc tuyển mộ những chiến binh mạnh mẽ cho quân đoàn phương Bắc của bạn; và rất nhiều NPC khác hỗ trợ mua bán vật phẩm, huấn luyện thú nuôi, bói quẻ đoán số, lô đề hay cờ bạc, xây dựng phòng trưng bày, nâng cấp tàu bè, tăng gia trồng trọt chăn nuôi…
Tất cả đều được sinh ra với một mục đích chính, thúc đầy người chơi lên đường chinh phạt, mang chiến lợi phẩm về “xây tổ ấm” để nhận lại những phần thưởng xứng đáng, đưa bạn dần tiến gần hơn đến với cương vị của một nhà lãnh đạo vĩ đại, hoàn hảo trong chiến đấu và quản lý đất nước (cỡ… một ngôi làng).
Assassin’s Creed Valhalla là một bước thụt lùi về nhiều mặt, với những tiềm năng mà nó đáng ra phải được khai thác tốt, thì nhà phát triển lại ngó lơ, trong khi những yếu tố mới thì lại chưa đủ lực khiến game nổi bật hơn các game tiền nhiệm.