Phải nói rằng 25 năm là một quãng thời gian rất dài trong ngành công nghiệp game phát triển như vũ bão, nó đủ sức “kéo sụp” rất nhiều tượng đài sừng sững, nhất là với dòng game kinh dị vốn bị giới hạn rất nhiều trong cách thức thể hiện dễ lặp đi, lặp lại, rơi vào lối mòn và cấu tứ cốt truyện cũng đi vào ngõ cụt, khó lòng tiếp tục thu hút game thủ.
Có thể kể đến dòng game kinh dị đình đám một thời Silent Hills bị Konami huỷ bỏ chưa hẹn ngày gặp lại sau khi Hideo Kojima rời hãng này để thành lập studio riêng, hay dòng game Fatal Frame vẫn chưa có dấu hiệu gì sẽ “đổ bộ” lên hệ máy chơi game đời mới Nintendo Switch, sau sự thất bại tương đối của phiên bản thứ năm của dòng game trên hệ máy “yểu mệnh” Wii U.
Thế nên với một dòng game kinh dị “dài hơi” như Resident Evil với bảy phiên bản chính thức và hàng loạt các tựa game và phim “ăn theo” khác nhau, có thể xem như Capcom đã vô cùng thành công trong việc thay đổi để bắt kịp thị hiếu game thủ cả trong chất lượng đồ hoạ, lối chơi, cũng như xây dựng nên những tuyến cốt truyện hoàn toàn mới
Sau một thời gian dài “say mê” với các phiên bản làm lại của các phần đầu của dòng game trên nền RE Engine hoàn toàn mới như Resident Evil 2 Remake, và tiếp sau đó là phiên bản thứ ba của dòng game Resident Evil 3 Remake, Capcom tiếp tục quay trở lại với mạch truyện chính khi cho ra mắt phiên bản thứ tám của dòng game, với tên gọi: Resident Evil Village, tiếp tục cuộc hành trình của anh chàng kỹ sư xui xẻo Ethan Winters sau khi chàng ta tìm được vợ và trốn thoát khỏi trang trại nhà Baker trong phiên bản Resident Evil 7: Biohazard.
Trong lần ra mắt này, tựa game nhanh chóng đạt được doanh số 3 triệu bản chỉ sau bốn ngày ra mắt, kỷ lục trong tất cả các phiên bản của dòng game cũng như đạt được những điểm số đánh giá cao chót vót từ phía các chuyên trang đánh giá game hàng đầu hiện nay, bất chấp việc Capcom dính phải vụ lùm xùm “đạo nhái” thiết kế nhân vật cho bản game này.
Điều gì đã làm cho phiên bản thứ tám của dòng game thu hút đến như vậy?
TRÀN NGẬP NHỮNG YẾU TỐ HẤP DẪN!
Phải nói rằng các tựa game kinh dị vô cùng dễ bị “tổn thương” theo thời gian, bởi những xu hướng cũ, công thức cũ có thể không còn phù hợp với “khẩu vị” những thế hệ game thủ mới, kết quả là không ít dòng game trở nên “mất chất” và lụi tàn, điển hình là dòng game Alone in The Dark “ra đi” cùng với phiên bản Illumination.
Ngay cả với dòng game Resident Evil, Capcom cũng đã từng phải “đánh vật” với một phiên bản Resident Evil 6 “thảm họa” từ cả trong game đến cả biện pháp quảng cáo ngoài đời thật trước khi đến với Resident Evil 7: Biohazard với một cốt truyện, lối chơi và kết cấu hoàn toàn mới, đem lại “sức sống” cho tuyến cốt truyện chính đã dần đi vào ngõ cụt.
Đó không chỉ đơn thuần là lối chơi được chuyển sang góc nhìn của người thứ nhất theo kiểu game bắn súng FPS (First Person Shooting) đang thịnh hành, những con quái vật kiểu mới, khá ít ỏi về chủng loại với thiết kế chẳng lấy gì làm ghê rợn hay một cốt truyện với nhân vật chính mới toanh toe… mà đó còn là sự xa lạ cả về mặt cấu tứ màn chơi với một bối cảnh quá nhỏ bé, thiếu đi bầu không khí đè nén của khung cảnh hùng vĩ, yếu tố then chốt tạo ra nỗi sợ hãi lẫn ngạc nhiên trầm trồ cho game thủ khi góp nhặt những thông tin vụn vặt suốt dọc màn chơi, để hình thành nên một bức tranh tổng thể về cả cốt truyện.
Nếu so sánh với The Evil Within, tựa game đến từ “cha đẻ” của dòng game Resident Evil – Shinji Mikami, với bầu không khí đặc quánh và những cuộc rượt đuổi không cân sức thì Resident Evil 7: Biohazard mang hơi hướng của một tựa game hành động bắn súng nhiều hơn là một tựa game kinh dị theo kiểu truyền thống.
Cũng ý thức được điều này, Capcom đã tiến hành “đại phẫu” với Resident Evil Village để đem đến cho người chơi một tựa game hấp dẫn, với nhiều yếu tố “học hỏi” được từ các phiên bản trước đó.
Trên thực tế, những chương đầu của tựa game gợi nhớ nhiều đến phiên bản Resident Evil 4 lừng danh khi người chơi không hiểu lý do, lạc lối đến một ngôi làng xa lạ, bắt gặp những con quái vật tấn công, bủa vây con người và hành trình tìm kiếm đứa con gái, cũng như trốn chạy khỏi những thế lực siêu nhiên bắt đầu qua những màn chơi vô cùng rộng lớn!
Không còn bó buộc trong một khuôn viên khá nhỏ là trang trại và hầm mỏ nhà Baker trong phiên bản trước, Resident Evil Village sẽ đưa người chơi đến một không gian rộng lớn hơn nhiều, từ ngôi làng nghèo nàn lạc hậu ở Đông Âu mang hơi hướng những ngôi làng của đầu thế kỷ XX, đến lâu đài sang trọng của dòng họ Dimitrescu, hay những hầm ngục tối tăm, đầy những con quái vật khát máu.
Mỗi màn chơi đều có những đặc trưng riêng, những con quái vật riêng, thế nhưng đọng lại trong suốt hành trình của trò chơi chính là nỗi sợ được tô lên đậm nét thông qua một vài tiểu xảo của nhà thiết kế màn chơi: sự đa dạng, đan xen của những cảm giác sợ hãi, hồi hộp, với căng thẳng, nghẹt thở, có thể khiến tim bạn đập liên hồi khi lượng adrenaline “dào dạt” tăng nhanh trong suốt thời lượng khá dài của trò chơi.
Nỗi sợ không đơn giản đến từ một con quái gớm ghiếc nào đó nhảy xổ vào bạn theo kiểu “jump scare” trong một bầu không khí đậm đặc có thể gây ức chế, căng thẳng và sợ hãi, như trên nhiều game kinh dị gần đây hay áp dụng như Daymare: 1998 hay Outlast 2, mà nó còn đến từ sự bất lực phải bỏ trốn trước những đàn quái vật quá đông và hung hãn, đến từ áp lực của những đối thủ mạnh mẽ với sức mạnh siêu nhiên có thể “tiễn bạn lên đường” chỉ trong vòng “một nốt nhạc”…
Gần như kể từ khi “xâm nhập” vào ngôi làng, bao gồm cả trong các đoạn cắt cảnh (cut scene), “trái tim bé nhỏ” của game thủ chắc chắn bị thử thách liên tục khi nhà thiết kế lồng ghép những pha hành động xen lẫn những trường đoạn lẩn trốn, chiến đấu gần như không chừa ra bất kỳ “thời gian chết” nào trong suốt thời lượng khá dài của trò chơi.
Sự trở lại của các câu đố cũng là một điểm nhấn ấn tượng khác của Resident Evil Village.
Nhà thiết kế đã lồng ghép vào từng màn chơi những câu đố vô cùng thú vị với phong cách gần giống những gì thể hiện trong ba phiên bản đầu tiên của dòng game.
Trên thực tế, những câu đố này không quá khó để “ngáng chân” game thủ trên suốt dọc đường đi.
Đa phần trong số đó đòi hỏi người chơi tìm và đặt những vật phẩm vào đúng chỗ, nhưng chúng đòi hỏi sự quan sát tỉ mỉ đến từng chi tiết trên khắp màn chơi, thu thập các thông tin rải rác và một chút suy luận logic để có thể giải được những câu đố này.
Về mặt cốt truyện, Capcom đã xây dựng nên một thế giới rộng lớn hơn với một bối cảnh xuyên suốt từ những sự kiện đầu thế kỷ XX với nhiều yếu tố đan xen, ảnh hưởng trực tiếp đến những sự kiện trong phiên bản Resident Evil 7: Biohazard trước đây.
Resident Evil Village đã rất thành công khi tạo ra nhiều những nút thắt ở 2/3 thời lượng đầu game, thậm chí khiến người chơi phải hoang mang không biết chuyện gì đang xảy ra, để rồi sau đó dần dần hé lộ những bí mật trong những chương cuối cùng của game.
Thậm chí nhà biên kịch tại Capcom còn cài cắm trong game vài “vòng xoắn cốt truyện” (plot twist) với những cách giải quyết vô cùng hợp lý tạo được những kết cục bất ngờ, khó đoán cho người chơi, nhờ vậy mà tựa game có thể đem đến sự hào hứng, tò mò cho game thủ cho đến tận những phút cuối cùng.
KHAI THÁC TRIỆT ĐỂ CÁC CONSOLE NEXT-GEN
Là một tựa game được phát triển trước tiên cho các hệ máy console Next-Gen, Resident Evil Village gần như đủ sức “vắt kiệt” sức mạnh phần cứng của các cỗ máy chơi game hiện đại.
Không thể thiếu khi nhắc đến về tựa game trên hệ máy mới nhất này là khả năng Ray-tracing, ánh sáng, hình ảnh phản chiếu, hay đổ bóng đều được thể hiện vô cùng ấn tượng nhờ vào bộ RE Engine được tinh chỉnh, nâng cấp với sự hỗ trợ nhiệt tình từ các kỹ sư đến từ AMD.
Sự hỗ trợ này tốt đến độ, ngay cả các APU như AMD Ryzen 5 3400G cũng có thể chạy được game mượt mà ở mức thiết lập thấp nhất và độ phân giải 720p, trong khi đó, nếu đẩy hết các mức thiết lập lên cao nhất, bạn sẽ cần một card màn hình mạnh mẽ như ASUS TUF GAMING RX 6800 XT, với lượng RAM đồ họa “ngồn ngộn” để ‘gánh” được những thiết lập hạng nặng.
Thậm chí, với những thử nghiệm hiện hành, Resident Evil Village chỉ đạt mức tốc độ 45fps trên PlayStation 5 khi mở hiệu ứng Ray Tracing.
Các hành động và đoạn phim cắt cảnh đều được quay dựng bằng công nghệ bắt hình chuyển động (Motion Capture) và lồng tiếng của các nghệ sĩ chuyên nghiệp.
Sự chân thực trong thiết kế đồ họa và chuyển động nhân vật đầy biểu cảm trong Resident Evil Village chính là yếu tố khiến cho game đạt được độ thực tế cao, từ đó giúp game thủ chìm đắm trong màn trình diễn đồ họa của game, góp phần tạo ra những nỗi sợ cần thiết cho một tựa game kinh dị.
Về mảng âm thanh, Capcom vẫn thể hiện sản phẩm của mình xuất sắc như thường lệ với chất lượng âm thanh ấn tượng, những bài nhạc được soạn riêng tô đậm bầu không khí kinh dị, đặc quánh của trò chơi.
Tốt nhất, bạn nên thưởng thức Resident Evil Village với một tai nghe chất lượng cao để có thể thật sự hòa mình vào thế giới game theo cách rõ nét nhất.
MỘT VÀI YẾU TỐ VỤN VẶT
Phải nói rằng với một cơ chế hình-âm hoàn hảo, lối chơi và cốt truyện cuốn hút, Resident Evil Village xứng đáng là tựa game “bom tấn” hàng đầu trên thị trường game kinh dị hiện nay.
Thế nhưng bên cạnh đó, cũng có một vài yếu tố vụn vặt có thể làm ảnh hưởng đến trải nghiệm game của người chơi.
Chẳng hạn, tựa game được thiết kế tốt nhất cho điều khiển bằng tay cầm hơn là chuột và bàn phím.
Hầu hết giao diện được thiết kế để dễ dàng hoạt động với phím bấm, trong khi đó, tựa game thậm chí hỗ trợ cả khả năng rung Haptic trên PlayStation 5.
Thậm chí là Capcom chỉ đơn giản là dùng chuột mô phỏng lại chuyển động của cần analog trên tay cầm điều khiển, khiến cho chuyển động xoay nhìn không thật sự mượt mà, dễ gây khó chịu, chóng mặt cho người chơi, trong khi nếu bạn sử dụng một tay cầm “xịn sò” thì mọi chuyện lại đơn giản hơn rất nhiều.
Thêm vào đó, những pha rượt đuổi vẫn bị dừng lại do vấn đề những cánh cửa chỉ có thể đóng – mở theo kịch bản.
Mặc dù đây là một vấn đề cố hữu của thiết kế game, thế nhưng chúng vẫn gây ra những khó chịu nhất định khiến mạch game bị ngắt quãng, thiếu đi đôi chút thử thách đáng có.
Resident Evil Village có thể xem như bước chuyển mình ngoạn mục của dòng game Resident Evil hiện nay khi Capcom đã biết học hỏi và áp dụng nhiều yếu tố "ăn khách" của các phiên bản trước trong một thế giới rộng lớn và đẹp mắt, được xây dựng công phu trên nền RE Engine, đủ sức "vắt kiệt" sức mạnh của thế hệ console Next-Gen.